Skip to content Skip to footer

TÂY TẠNG – XỨ SỞ TÂM LINH HUYỀN BÍ GIỜ NƠI ĐÂU – PHẦN 2

 

Tôi đã đến đây rồi, Tây Tạng ơi! Trong lòng Tôi trỗi dậy bao nhiêu kỷ niệm của ba mươi năm trước. Tôi nhìn quanh, bồi hồi khi đối diện, chiêm ngưỡng những vẻ đẹp và sự uy nghiêm của những kiến trúc Phật Giáo độc đáo của Tây Tạng, những di sản Tâm Linh thế giới vô cùng tuyệt đẹp. Những cung điện Potala, Chùa Jokhang, tu viện Sera, Kumbum và rất nhiều kiến trúc tôn giáo khác ở khắp mọi nơi trên xứ sở Tây Tạng mà có lần Tôi đã nói lên cho tất cả những Ruma tu sĩ cùng các thiền sinh của Tôi nghe.

Những gì Tôi đã chứng kiến, trải nghiệm ở miền đất Tây Tạng này trên ba mươi năm trước, làm sao Tôi quên được! Ngày đó, Tôi từng cùng với các vị Lạt Ma nơi đây đi tìm kiếm hóa thân của những vị Phật sống – Đạt Lai Lạt Ma. Tôi biết rằng chỉ ở đây Tôi mới có cảm giác vô cùng an lạc và thiêng liêng độc nhất. Từ cung điện cao thâm Potala, Tôi nhìn toàn cảnh Himalaya huyền bí, mang một sắc thái vô cùng an lạc của Phật Giáo Tây Tạng.

Ôi đẹp làm sao hơi thở của miền đất Himalaya! Những bức tranh Thangka vô cùng độc đáo với những gam màu hội họa đặc sắc, kết hợp tính chất Tâm Linh kỳ bí của Tây Tạng, khắc họa sống động những gì cô đọng nhất về những lời Đức Phật dăn dạy con người, thể hiện chiều sâu nhận thức kinh điển của người họa sĩ và được người dân Tây Tạng kính trọng như Thần – Phật. Gò đá với muôn ngàn viên đá Mani đủ màu sắc, khắc trên đó là những dòng kinh Phật, những lời cầu nguyện bình an của người dân Tây Tạng, nhưng không phải họ cầu bình an cho bản thân họ, mà cho cả thế giới và cho hạnh phúc muôn loài…

Đã ba mươi năm qua rồi, trong Tôi vẫn còn hình ảnh những vị Lạt Ma tụng kinh trong nắng sớm, hình ảnh dãy núi phủ đầy tuyết, những đoàn người Tây Tạng đi hành hương, những tín đồ Đạo Phật sùng kính ngày ngày cầm trên tay bánh xe luân hồi, miệng rì rầm niệm chú hoặc niệm những câu kinh với một giai điệu bất tận, những dòng người  “tam bộ nhất bái” để “ngũ thể nhập địa” với tất cả lòng thành kính dâng lên Đấng Thiêng Liêng.

Ngày xưa, Tôi từng đến đây, từng trải nghiệm cuộc đời của một tu sĩ trẻ với hình thức hành lễ vất vả, khổ sở nhất là “tam bộ nhất bái” này. Tôi cũng đi ba bước, lạy một lạy để “ngũ thể nhập địa” giống như những người dân Tây Tạng, những tín đồ Phật Giáo Tạng truyền vẫn làm hàng ngày, với tấm lòng thành kính vô biên của Tôi dành cho Thượng Đế, mang tâm hồn của một tu sĩ trẻ đi tìm con đường Giải Thoát nơi Hy Mã chỉ có những đỉnh núi tuyết phủ và một bầu trời xanh ngắt. Tôi cũng từng nín thở dõi theo hành trình tìm lại sự huyền bí, thần kỳ của kiếp số con người, mong muốn cho Linh Hồn những người ra đi sớm được trở về Thiên Đàng với hình thức thiên táng (hay còn gọi là điểu táng) của người Tây Tạng…

Con người Tây Tạng sanh và sống thấm đẫm trong từng mạch máu những triết lý nhân sinh, ôn hòa, đầy thiện niệm, bao dung, tín tâm nơi Phật Pháp, một lòng thành kính Thần – Phật là vậy!

 

Lần này trở lại, Tôi thấy những điều kiện vật chất, cơ sở hạ tầng ở Tây Tạng hiện giờ vô cùng đầy đủ, các cung đường trải nhựa đẹp đẽ, thông suốt khắp mọi nơi, những phương tiện đi lại thuận tiện như xe buýt, xe lửa,  taxi, máy bay v.v…  những khách sạn, nhà nghỉ, các khu đô thị đông đúc, sầm uất, những hàng quán, khu bán đồ lưu niệm, cửa hiệu nhan nhản, những trường học, bệnh viện, quảng trường, sân khấu ngoài trời khổng lồ, những cơ quan công quyền bề thế tọa lạc trên những cung đường đẹp nhất… nhưng hình như vắng bóng đâu rồi những người dân Tây Tạng hiền hòa, chất phác của ngày xưa! Tôi tự hỏi lòng rằng họ đã đi đâu mất, hay họ đã ẩn sâu bên kia những đỉnh núi tuyết vì không thích nghi được với cuộc sống hiện đại, với những ồn ào thị phi, bon chen vội vã của thời đô thị hóa, trong một khu được gọi là tự trị nhưng lại không được quyền quyết định gì cho cuộc sống của mình?!

Tây Tạng bây giờ đã hiện đại, đầy đủ tiện nghi, không còn những túp lều dựng tạm bên đường, không còn những đêm sương lạnh ở ngoài trời gió rét cho những khách hành hương… Lẽ ra Tôi sẽ ngủ thật ngon giữa nơi Tôi hằng ao ước quay trở lại. Nhưng tại sao Tôi lại trằn trọc, lại cảm thấy hình như có một cái gì đó rất đau trong lòng?! Những nét thiêng liêng của miền đất vốn đầy huyền bí và cao thâm này giờ đây hình như không còn để cho Tôi được cảm nhận trọn vẹn nữa!

Tại sao con người lại tàn phá, đem thế giới của văn hóa vật chất, khoa học vào làm chi để đánh mất đi những cảnh đẹp thiên nhiên mang đậm nét Tâm Linh nơi đây? Bao xung quanh Potala giờ đây không còn những sự kỳ bí, diệu kỳ ẩn chứa bề dày văn hóa Phật học của Tây Tạng, sự huyền bí của miền đất Himalaya đậm đà màu sắc linh thiêng. Thay vào đó là những đường xá rộng rãi với xe cộ và dòng người qua lại, hòa cùng vòng xoáy của vật chất, của đô thị phồn hoa.

Ôi! Đâu rồi những người dân Tây Tạng chất phác, đơn thuần để cho du khách đến chiêm ngưỡng, trầm trồ khi họ được hòa mình vào những vòng xoáy kora, hay còn gọi là “nhiễu Phật” bất tận quanh các địa điểm linh thiêng chốn cao nguyên?

Những du khách nào từng có những trải nghiệm này chắc sẽ không khỏi cảm thấy bùi ngùi, thương cảm cho miền đất cùng những con người mang một nền văn hóa đậm nét Phật Giáo của Tây Tạng nơi đây.

Ôi! Đẹp làm sao những vòng xoay kinh luân, những âm thanh trong veo, hòa cùng từng bước chân của những du khách…. giờ đây không còn nữa…

Những lá cờ Lungta được coi như những con ngựa gió giúp chuyển hóa cái ác thành cái thiện, cái không may thành điều may mắn, tốt lành… Những viên đá Mani với nghệ thuật điêu khắc dân gian, biểu tượng văn hóa đặc sắc của con người và Phật Giáo Tây Tạng… Ôi nay vẫn còn đó, nhưng nó đã trở thành những món hàng kinh doanh cho con người thu lợi nhuận.

Tây Tạng nằm trong khu tự trị lớn nhất của Trung Quốc. Nền Tâm Linh giờ đây hình như đã cạn kiệt. Potala vẫn đẹp, vẫn sừng sững mà sao chỉ giống như một cái xác không hồn? Những vị Lạt Ma, các bậc Chư Thiên cùng hàng vạn câu bảo chú bây giờ đi đâu? Thay vào đó là những “chú lạt ma” tuy rất lịch sự với du khách nhưng lại được trang bị súng ống, hoặc là những “chú lạt ma” đứng thu tiền cúng dường của khách thập phương… Ôi! Potala kiêu hãnh, tôn nghiêm, làm say đắm lòng du khách yêu thích Tâm Linh của ngày xưa, sao giờ đây hình như nó chỉ còn đem đến cho lòng Tôi một cảm giác gò bó, tiếc nuối, đau thương…

Ôi! Tại sao con người lại nỡ hủy hoại đi những gì thiêng liêng Thượng Đế đã ban cho miền đất Tây Tạng – Himalaya? Ai hiểu cho nỗi đau này của những người dân Tây Tạng? Thế giới loài người hình như không ai đếm xỉa đến miền đất này – Nơi tự trị của Trung Quốc hay sao?!

 

Mùa đông sắp đến. Khách du lịch cũng lưa thưa.

Ôi! Nhìn tất cả vạn vật nơi đây, lòng Tôi cảm thấy chơi vơi, vòng xoay kinh luân cứ xoay tròn theo những bước chân miệt mài đầy suy tư của Tôi.

Ba mươi năm rồi Tây Tạng ơi! Cả núi non, cả vùng đất Himalaya cao thâm, huyền bí vẫn mang những nét đẹp kiêu sa, say đắm lòng người, nhưng giờ đây tất cả hình như đã bị phủ che bởi một bức màn dục vọng của con người.

Ôi! Đối diện với cảnh tượng này, Tôi không cầm được hai dòng lệ khi chia sẻ tâm tư của mình với Ruma tu sĩ và các thiền sinh.

Tây Tạng ơi! Đẹp làm sao vùng đất nằm trọn trên cao nguyên của dãy Himalaya hùng vĩ! Nhưng ba mươi năm đã đi qua. Tất cả đều đã thay đổi. Lòng Tôi cảm thấy nghẹn ngào…

 Trong mười ngày đến thăm lại miền đất Tây Tạng, đôi khi Tôi không muốn mở mắt ra nhìn những quang cảnh đã bị con người tàn phá để làm thành khu đô thị. Vẻ đẹp thiên nhiên, sự hùng vĩ của Hy Mã, nét đơn thuần của những người dân Tây Tạng đã đi đâu hết? Những vị Lạt Ma cũng đi đâu, mà sao giờ đây họ không cùng nhau tham thiền nhập định?

Ôi Thượng Đế ơi! Miền đất thiêng mà ba mươi năm trước con đã đến tu hành, giờ ở đâu? Lòng con người sao tàn nhẫn, nỡ xâm chiếm, tàn sát và tàn phá mảnh đất thiêng liêng, hùng vĩ Himalaya – Một nghệ thuật, một bức tranh Tâm Linh của Thiên Đàng để lại nhân gian!

Ôi! Độc đáo vô cùng với nền Phật Giáo Mật Tông Tây Tạng mà ai giậm chân đến đây một lần cũng không quên được. Ba mươi năm trước Tôi từng tu hành nơi đây. Tây Tạng đã nằm trong trái tim tôi mặn nồng, sâu sắc và đầy ân huệ. Giờ đây, sau ba mươi năm quay trở lại, trong lòng Tôi còn có cả một nỗi đau!

Thôi thì Tôi xin gởi tặng tất cả những ai có tâm biết hướng về miền đất Tâm Linh này những dòng cảm xúc của Tôi. Quý vị hãy đến Tây Tạng ngắm nhìn, ngẫm nghĩ sẽ hiểu lòng Tôi ngày xưa khi Tôi còn là một tu sĩ trẻ ngao du nơi Tây Tạng – Himalaya và giờ đây Tôi đau xót thế nào cho miền đất này.

Lòng Tôi lúc nào cũng nguyện cầu Chư Phật mười phương, xin các Ngài giữ lại mảnh đất này cho những người dân Tây Tạng, cho vạn vật nơi đây được sinh tồn tự nhiên cùng sắc xanh ngọc ngà của những hồ nước trên đỉnh Himalaya của miền đất Tây Tạng linh thiêng, huyền bí!

Ruma Con xin ngàn lần cảm tạ Thượng Đế và các Đấng Thiêng Liêng đã cho Con cơ hội về thăm lại mảnh đất Tây Tạng, Himalaya cao thâm – Nơi đã in đậm trong Con bao cảm xúc lạ kỳ, thiêng liêng đến vô cùng khi Con là một tu sĩ trẻ ngao du tu hành nơi đó, nơi đã dìu dắt Con những bước đi đầu tiên nhưng vững chắc nhất để Con trở thành một bậc Guru như bây giờ!

Nhưng các Ngài ơi! Nỗi đau đọng lại trong lòng Con khi Con đến Tây Tạng lần này – Xin các Ngài hãy làm sao cho nó được theo gió bay đi!

Ruma Con xin vô cùng cảm tạ các Ngài!

GURUJI SAGARRUMAGARMATHA!

Add Your Comment

ĐỊA CHỈ HỘI THIỀN ĐỊNH QUỐC TẾ MASTER RUMA TRÊN THẾ GIỚI
HOA KỲ: MASTER RUMA’S INTERNATIONAL ASSOCIATION FOR BUDDHIST MEDITATION, INC.

Địa chỉ: 2778 GA-257, Dublin, GA 31021. Tel: (+1) 561 332-6110

CAMPUCHIA: THE INTERNATIONAL ASSOCIATION FOR BUDDHIST MEDITATION MASTER RUMA

Địa chỉ: Phum Khsom, Banteay Daek Commune, Kien Svai District, Kandal Province, Kingdom of Cambodia
Tel: (+855) 92 772 669 (Telegram/Viber/Zalo)

CHIANG MAI - THÁI LAN: MASTER RUMA FOUNDATION

Địa chỉ: 9 Moo 21, T.Doi Lo, A.Doi Lo, Chiang Mai, Thailand 50160
Tel: (+66) 0884 108 264 - (+66) 0956623760 - (+66) 0815 670 550

UDON THANI - THÁI LAN: MASTER RUMA INTERNATIONAL MEDITATION CENTER

Địa chỉ: 296 Moo 2 T. Soomsao, A.Phen, Udonthani 41150 Thailand
Tel: (+66) 0884 108 264 - (+66) 0956623760 - (+66) 0815 670 550

CỘNG HÒA SÉC: Meditace Master Ruma internacionální z.s.

Věštec e43. 26301 Hřiměždice. - Dobříš, Czech Republic
Tel: +420 607 564 578

LÀO: XENGXAVANG FOUNDATION

Địa chỉ: Pak Het – Muong Naxaithoong – Vientiane – Laos PDR
Tel: (+856) 02055 659 348

Masterruma © 2024. All Rights Reserved.