Skip to content Skip to footer

VÀI NÉT VỀ TIỂU SỬ GURUJI SAGARRUMAGARMATHA

Guruji Sagarrumagarmatha được sinh ra vào một giai đoạn lịch sử đau thương của đất nước, trong một gia đình theo Đạo Phật truyền thống tại Việt Nam. Song thân của Ngài là những người dân lao động cần cù, chỉ biết làm ăn để sống được qua thời loạn lạc mà vẫn giữ được nề nếp đạo đức, gia phong của cha ông và nuôi dạy đàn con nên người.

Người có ảnh hưởng lớn nhất đến tính cách và chí hướng cuộc đời của Ngài là ông ngoại của Ngài. Ông là người sống một đời chỉ biết hướng đến sự tu hành, gìn giữ những giáo lý thâm sâu của Đạo Phật. Ông cũng là một võ sư tài giỏi, giàu lòng nghĩa hiệp và là người đã cho Ngài những bài học đầu tiên về tinh thần quả cảm, lòng nhân ái và đạo đức làm người. Trước khi về với tổ tiên, ông đã dặn dò con cháu không được để mai một những gì mà cả đời ông đã tâm huyết vun đắp, bảo vệ. Ngài chưa bao giờ quên những lời trăn trối của ông ngoại mình và cho tới tận bây giờ, con cháu của ông vẫn noi gương ông gìn giữ nếp sống đạo đức, thương yêu nhau và phụng thờ Phật – Bồ Tát.

Từ khi còn rất nhỏ, Ngài đã phải chứng kiến những cảnh đồng bào mình bị tàn sát đau thương vì chiến tranh, vì những tai họa bỗng dưng ập xuống đầu mà họ không sao chống đỡ nổi. Điều đó đã khiến cho tâm hồn Ngài bị tổn thương và trở thành những nỗi đau âm ỉ khiến Ngài luôn trầm lặng và dấu kín những tình cảm của mình. Mặc dù vậy, những người thân, bạn bè và thầy cô giáo đều rất yêu quý Ngài – một cậu bé hiền lành, hay thương người và luôn giúp đỡ những người khác.

 Ngài có một người bạn tâm giao từ hồi nhỏ. Đó là người chị gái của Ngài, hơn Ngài mấy tuổi. Chị luôn an ủi cậu em trai lúc cậu đau buồn và cũng luôn bị cậu chất vấn những câu hỏi mà sau đó cả hai chị em đều không tìm được lời giải đáp: Mình là ai? Mình từ đâu đến? Con người đến trái đất này để làm gì? Tại sao con người phải cực khổ như vậy? Tại sao con người không thương yêu nhau? Tại sao con người đến thế giới này rồi lại chết đi? Sau khi chết họ sẽ đi về đâu?… – Đây thật sự là những vấn đề quá lớn và quá khó đối với một tâm hồn còn thơ bé và nhạy cảm như Ngài.

 

Năm 12 tuổi, Guruji Sagarrumagarmatha rời Việt Nam sang sống tại Mỹ. Chuyến tàu vượt đại dương năm ấy là một chuyến tàu bất hạnh. Giữa biển cả mênh mông, đôi mắt trẻ thơ của Ngài một lần nữa lại phải chứng kiến những cảnh tượng cướp của, giết người một cách tàn nhẫn. Quá đau khổ và sợ hãi trước tình cảnh không còn đường nào để thoát, những người còn sống sót trên tàu đã cùng đồng tâm niệm cầu Phật – Bồ Tát cứu giúp. Cổ họng khô rát vì khát nước, Ngài đã ngất đi trong tiếng niệm cầu nghẹn ngào, khẩn thiết ấy. Trong mơ, Ngài đã gặp Phật Bà Quan Âm Hào Quang rực rỡ hạ mây xuống an ủi, chở che và cho Ngài uống từng giọt Cam Lồ. Khi tỉnh dậy, Ngài vẫn còn cảm nhận được Tình Thương dạt dào ấy và kỳ lạ thay Ngài đã hết hẳn cảm giác khô bỏng trong họng. Chưa kịp mừng rỡ, nỗi đau đớn khác lại ập đến với Ngài, cướp đi người chị gái, cũng là người bạn mà Ngài yêu quý nhất.

 Trái tim bé nhỏ không chứa nổi nỗi đau quá lớn. Cho tới mãi sau này, mỗi khi nhớ lại, Ngài vẫn cảm thấy trái tim mình nghẹn ngào, đau thắt. Ngài đã phát nguyện trường chay tu hành và ý thức đi tìm con đường Giải Thoát của Ngài lại càng trỗi dậy mãnh liệt từ những ngày ấy.

 Những ngày sống trên đất Mỹ tự do và văn minh, Ngài đã được hưởng một nền giáo dục toàn diện và có đầy đủ tất cả những điều kiện vật chất và tình thương yêu như những đứa trẻ may mắn khác. Nhưng những chấn động trong tâm hồn do những ký ức tuổi thơ vẫn luôn khiến Ngài cảm thấy cô đơn và trống trải. Nỗi niềm đó đã được thể hiện trong nhiều bài thơ Ngài viết vào thời kỳ này:

   …

 “Mẹ có biết không, con thương người dân Việt

  Khổ đời đời không biết đi đâu

 Chết thảm thương trên biển cả, dưới bể sâu

 Lòng hiếu thảo con phải đành xa mẹ.”

 Khi học ở trường trung học tại tiểu bang Massachusetts, Ngài đã viết những bài báo: “Con người phải ăn chay”, “Đi tìm con đường tự do” và nhiều bài báo, bài thơ khác về đề tài ăn chay và lý tưởng tu hành, khiến các thầy cô và bạn bè trong trường rất chú ý vì toàn trường có mình Ngài là người Việt Nam, nhỏ tuổi, ăn chay trường, có tâm đạo và dường như chín chắn hơn rất nhiều so với các bạn cùng trang lứa.

Vào những ngày nghỉ cuối tuần, Ngài thường đến làm công quả tại một ngôi chùa gần nhà. Các thầy cô giáo, bạn bè ở trường và các vị Phật tử ở chùa đều rất thương mến Ngài. Thấy Ngài luôn chăm chỉ lao động, có lòng tự trọng và có một tư chất khác thường, họ thường gọi Ngài là “Đại Sư”, mặc dù mẹ của Ngài không cho phép gọi như vậy vì linh cảm người mẹ mách bảo bà rằng một ngày nào đó, con của bà sẽ rời khỏi vòng tay bà để đi theo tiếng gọi của trái tim, của Phật – Bồ Tát.

Năm tháng trôi qua, càng trưởng thành, Ngài càng nhận thấy con người dù ở nơi đâu trên trái đất này, dù mang trong mình dòng máu, sắc tộc nào cũng đều có nỗi thống khổ giống nhau. Càng tiếp xúc với nhiều tầng lớp trong xã hội, Ngài càng nhận ra rằng không phải chỉ những người nghèo mà ngay cả những người giàu có, thành đạt cũng có những nỗi đau khổ và bế tắc tột cùng. Qua những bài thơ Ngài đã viết trong thời kỳ này, chúng ta có thể thấy một điều lạ là mặc dù đã trải qua những giờ phút cô đơn và tuyệt vọng, đã phải chứng kiến nỗi thảm sát của con người với nhau, nhưng trong sâu thẳm trái tim đầy trắc ẩn của Cậu Bé Ruma khi ấy không hề có chỗ cho sự bi quan và thù hận, mà ngược lại, tâm hồn Cậu rất sáng trong, đầy tình thương và nỗi cảm thông muốn cứu vớt những số phận bất hạnh trong cuộc đời vô thường này.

Với sự hiểu biết và khả năng của một cậu bé vị thành niên khi ấy, Ngài đã làm tất cả mọi việc để giúp đỡ cho những hoàn cảnh khốn khó. Bản thân Ngài có một cuộc sống đầy đủ về mọi mặt nhưng tấm lòng chân thành của Ngài luôn mong muốn làm vơi đi những nỗi vất vả của những mảnh đời bất hạnh. Ngài đã không quản bất kỳ công việc nào để có thêm thu nhập. Ngoài giờ học ở trường, Ngài đã miệt mài làm việc suốt ngày đêm: Trồng rau, rửa chén bát, dọn vệ sinh, đến chăm sóc tàu ngựa cho những gia đình giàu có… Hầu hết số tiền thu nhập được, Ngài đều dùng cho công tác từ thiện, cứu trợ những nơi có thảm họa thiên nhiên như: Philippines, Hongkong, Singapore, Malaysia, Việt Nam v.v…Phần nhỏ còn lại, Ngài dành cho cuộc sống tu hành khổ hạnh, tự lập của mình vì không muốn phiền lụy tới gia đình và bởi một niềm tin mãnh liệt rằng: Sự khổ hạnh sẽ giúp Ngài mau tìm ra Chân Lý để giúp chúng sinh thoát khỏi khổ đau.

 

Từ nhỏ, Ngài đã được hấp thụ cả hai nền Tôn Giáo lớn là Phật Giáo và Thiên Chúa Giáo nên Ngài đã nhận thức được rằng: Các vị Minh Sư xưa kia như Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, Đức Chúa Giêsu Kitô… đều chứng ngộ cùng một Chân Lý và các Ngài đều dạy những điều giống nhau – Đó là con đường Âm Thanh và Ánh Sáng, mời gọi Linh Hồn con người trở về với ngôi nhà nguyên thủy, hòa nhập với Thượng Đế và vĩnh viễn thoát khỏi sinh tử luân hồi.

 Nhưng Chân Lý nằm ở nơi đâu? Bằng trí thông minh và nhạy bén, Ngài cũng đã hiểu ra rằng: Khổ hạnh không mang lại sự Khai Ngộ, Chân Lý được mô tả trong kinh điển nhưng không thể tìm thấy trong kinh điển và chỉ có một vị Chân Sư mới có khả năng dẫn dắt con người tìm ra con đường Đạo – con đường Chân Lý mà hai vị Giáo Chủ ngày xưa đã để lại trong giáo lý của các Ngài.

     …

  “Ta muốn tìm Chân Sư cầu giải thoát

  Chúng sinh ơi !

 Ta nguyện một lòng tìm cho được Pháp tu

 Mai sau khi thoát được ngục tù

Nguyện hiến dâng Tình Thương cao cả

Nguyện dâng cả những gì ta nhận được nơi đây.”

Nỗi khát khao mà Ngài thể hiện trong nhiều bài thơ đã thôi thúc Ngài đi tới Hy Mã Lạp Sơn – ngôi nhà của tất cả các vị Minh Sư từ cổ chí kim trên thế giới – khi Ngài còn chưa đến tuổi trưởng thành. Tại đây, Ngài đã gặp một vị Minh Sư người Ấn độ và được truyền Pháp Môn “Diệu Âm”. Vô cùng sung sướng vì sau nhiều năm nhọc nhằn tìm kiếm, lần đầu tiên Ngài đã cảm nhận được Thượng Đế qua nguồn Diệu Âm linh thiêng, điều mà trong kinh điển được gọi là “Giáo ngoại biệt truyền” và chỉ có Diệu Âm mới làm cho Chân Lý trong kinh điển được sáng tỏ. Những thắc mắc của Cậu Bé Ruma năm xưa cũng dần dần được tháo gỡ: Chúng ta đều là con cái của Thượng Đế. Chúng ta đến thế giới này vì khát vọng thăng hoa Tâm Linh và để mang Chân Lý cao thượng của Đấng Cha Lành xuống giúp đỡ cho trái đất. Nhưng do bị lạc vào ảo ảnh của cuộc đời, chạy theo những đam mê danh lợi, vật chất nên chúng ta ngày một xa rời Thượng Đế, quên đi bản tánh Chân Như (Phật tánh, Linh Hồn), luôn đau khổ và hãm hại lẫn nhau. Nguyên nhân của mọi đau khổ không phải ở bên ngoài mà nằm trong chính chúng ta. Muốn thoát khỏi nó, chúng ta phải hướng vào bên trong để nhận biết. Diệu Âm là nguồn thần dược duy nhất có thể chữa được căn bệnh phiền não ở nhân gian này. Nó sẽ dẫn dắt Linh Hồn chúng ta đi lên những cõi linh thiêng, nơi mà chỉ còn Tình Thương của Thượng Đế, của Phật – Bồ Tát hiện diện. Tình Thương bao la này sẽ xóa hết mọi tham lam, thù hận, khổ đau và sợ hãi. Chúng ta chỉ có thể khai thác được biển Tình Thương này nhờ Lực Lượng Diệu Âm vi diệu bên trong. Diệu Âm sẽ giúp chúng ta thanh tịnh cả về thể xác lẫn tinh thần và thăng hoa trên con đường Tâm Linh, tìm về với Thượng Đế.

Trong lòng Ngài cảm thấy vô cùng vui sướng. Dù không muốn rời xa vị Thầy của mình, nhưng Ngài cũng phải trở về nhà vì luật công dân không cho phép Ngài rời khỏi gia đình quá lâu khi chưa đến tuổi trưởng thành.

 Trở về Mỹ, Ngài lại phải hoàn thành nốt công việc học tập ở trường. Nhưng Ngài vẫn lặng lẽ, âm thầm thiền định Pháp Môn Diệu Âm, lòng không nguôi nhớ những ngày tháng được tu hành với vị Thầy Ấn Độ, mong sao năm học mau kết thúc để được đi theo tiếng gọi của lý tưởng trong tâm.

 Khi vừa tròn 18 tuổi, vượt qua tất cả mọi sự cản trở, Ngài quyết định rời gia đình xuất gia tu học. Cha mẹ của Ngài không thể hiểu nổi vì sao Ngài lại thờ ơ với cuộc sống vinh hoa phú quý mà Ngài đang được hưởng. Bạn bè, thầy cô giáo cũng không lý giải được vì sao Ngài không tiếp tục sự nghiệp học vấn đang rộng mở để có một tương lai sáng lạn với bao danh vọng ở đời. Chỉ có Thượng Đế là thấu hiểu và đồng tình với con đường mà Ngài đã chọn để dấn thân.

Ngài đã bôn ba khắp nơi, vượt qua rất nhiều khó khăn, thử thách, học hỏi giáo lý và tu tập với nhiều vị Minh Sư nổi tiếng ở Tây Phương, Á Đông, tham gia tu thiền với nhiều Tôn Giáo bạn và nhiều Hội Thiền Định trên thế giới. Càng chuyên tâm tu hành và tự mình trải qua muôn vàn thể nghiệm, Ngài càng nhận thức được rõ sự màu nhiệm của Pháp Môn Diệu Âm – Pháp Môn duy nhất cứu giúp Linh Hồn con người thoát khỏi sự ràng buộc của thế giới vật chất, Pháp Môn đi ngược dòng để tìm và diệt tận gốc nguyên nhân gây khổ đau cho mọi chúng sanh.

Ánh Sáng Chân Lý càng đến gần thì lại càng cuốn hút Ngài đi đến tận cùng của nó. Chính lúc này, Ngài đã gặp rất nhiều thử thách trong cuộc đời. Trong đoàn thể tu hành đã nảy sinh rất nhiều sự tranh chấp về vấn đề tu hành và mâu thuẫn Tôn Giáo. Càng muốn đi đến tột cùng của Chân Lý, Ngài lại càng cảm thấy rõ sự vô thường của cuộc đời, ngay cả trong cuộc sống tu hành của đoàn thể người xuất gia. Càng nhiều tranh chấp, lý luận về Tôn Giáo, con người lại càng xa rời Chân Lý. Bản thân là một người chỉ một lòng khát khao mong cầu sự thật, Ngài lại càng muốn bảo vệ nó. Nhưng càng như vậy, Ngài lại càng bị cản trở trong tu hành, bị cô lập và phải gánh chịu những bài học vô cùng nghiệt ngã, đẩy Ngài tới chỗ không thể tiếp tục lý tưởng xuất gia tu hành của mình được nữa.

 Lúc bị vấp ngã, Ngài đã gặp phải sự cản trở, chống đối của tất cả các vị sư huynh đệ đồng môn. Trong lòng hết sức cô đơn, thất vọng, chán nản và không còn đường nào để đi, Ngài trở lại Ấn Độ mong gặp được vị Thầy năm xưa cho thỏa nỗi thương nhớ Thầy cũng như để tìm một nơi nương tựa trong lúc hụt hẫng. Nhưng dù đã đi khắp nơi trên đất Ấn Độ, Ngài cũng không sao tìm được vị Thầy năm ấy. Không biết đi đâu, về đâu, Ngài đành lưu lại Hy Mã Lạp Sơn để tu hành và mong ngóng được gặp Thầy, nhưng Thầy của Ngài không hề trở lại.

Quay trở về Mỹ được một thời gian, Ngài lập gia đình, sống cuộc sống tại gia. Trong tay đã có Pháp Môn cứu cánh, Ngài vẫn âm thầm thiền định Diệu Âm, vừa làm việc, vừa chăm sóc gia đình, những mong tìm được sự bình an ở nhân gian. Nhưng trong lòng Ngài vô cùng đau khổ vì không sao dứt bỏ được lý tưởng cao thượng của mình, trong khi con đường Chân Lý vẫn còn xa vời vợi. Chính lúc này, những áp lực, thử thách, sự cô lập và săn đuổi của những người bạn đồng môn năm xưa vẫn chưa chịu buông tha Ngài. Cuối cùng, Ngài quyết định cùng gia đình ẩn tu tại một ngôi làng thuộc tiểu bang Florida – Hoa Kỳ.

 

Trải qua bao thăng trầm, Ngài đã nhận thức rõ hơn rằng hạnh phúc ở nhân gian này chỉ là vô thường. Ngay cả Đức Phật Thích Ca Mâu Ni xưa kia cũng từng lìa bỏ cung vàng, điện ngọc để đi tìm Chân Lý. Cuộc sống vinh hoa phú quý, vật chất ở thế gian có nhiều bao nhiêu đi nữa cũng không đem lại cho con người sự mãn túc và không giải thoát họ khỏi sinh tử luân hồi. Vậy mà Ngài đã để phí quá nhiều thì giờ để hưởng cuộc sống ở thế gian. Sự vấp ngã đó chính là bài học lớn nhất trong cuộc đời tu hành của Ngài.

Với một ý chí kiên định và một nghị lực phi thường, bỏ lại sau lưng tất cả đắng cay, phiền muộn và vùi dập ở đời, Ngài quay lại Hy Mã Lạp Sơn, quyết tìm cho ra điểm tột cùng của Chân Lý, tìm cho ra ý nghĩa và mục đích của cuộc đời mình. Đây chính là một bước ngoặt quan trọng trong hành trình tầm Đạo của Guruji Sagarrumagarmatha.

Hy Mã Lạp Sơn hùng vĩ với những đỉnh núi cao quanh năm tuyết phủ. Cuộc sống quay cuồng vì vật chất ở nhân gian và bụi hồng trần dường như không thể xâm nhập vào được nơi đây. Vượt qua tất cả mọi sự khắc nghiệt của thiên nhiên, mọi sự thử thách của thời gian và lòng nhẫn nại, cuối cùng Thượng Đế đã đáp lại khát vọng của Ngài. Ngài đã lần lượt gặp được năm vị Minh Sư Ấn Độ – những vị Thầy rất cao tuổi đã ẩn mình bao năm nơi hoang vắng để gìn giữ Bảo Pháp của Vũ Trụ và thông điệp Tình Thương của Thượng Đế. Thật sự, chỉ có những người thành tâm mong cầu Chân Lý mới có thể tìm gặp được những vị Minh Sư đó. Ngài hiểu ra rằng tất cả những thử thách, oan nghiệt từ trước đến nay mà Ngài đã trải qua đều là do nhân nghiệp và sự vô minh của chúng sanh gây nên. Cũng chính sự vô minh và nghiệp chướng này đã ngăn cản, không cho con người nhận biết được Tình Thương và Chân Lý. Họ mong cầu hạnh phúc nhưng không biết đâu là hạnh phúc đích thực, không biết cách nào để đạt được và nắm giữ nó. Vì họ mãi bơ vơ, lạc lõng, quên mất Nguồn Cội Phật tánh cao đẹp của mình nên đời đời, kiếp kiếp Thượng Đế đã phải gửi những bậc Thánh Nhân mang Chân Lý xuống nhân gian để chỉ dạy và đánh thức họ, giải phóng họ khỏi màn vô minh đen tối.

Cảm kích vô cùng trước sự hy sinh cao cả của những vị Minh Sư Ấn Độ – những vị Thầy không còn bản ngã, chỉ sống vì hạnh phúc của muôn loài, Ngài đã ở lại tu học với họ một thời gian dài và cuối cùng, Ánh Sáng Chân Lý đã bừng nở. Diệu Âm – nguồn Thánh Linh của Thượng Đế – đã dẫn dắt Ngài vượt qua không gian, thời gian và nhân quả để hòa nhập với Tình Thương bao la của Đấng Cha Lành. Càng chuyên tâm thiền định, Ngài càng đạt được những thể nghiệm vô cùng cao quý và chứng thực được sự nhiệm màu của Pháp Môn vĩ đại này – Pháp Môn mà đời đời, kiếp kiếp các vị Minh Sư trong quá khứ đã dùng để tu hành đắc Đạo và dẫn dắt chúng sanh tìm về con đường Giải Thoát.

 Sau những tháng ngày khám phá Chân Lý trên đỉnh Hy Mã Lạp Sơn, Ngài hiểu rằng những khó khăn thử thách từ trước đến nay mà Thượng Đế đặt ra đã giúp cho Ngài có cơ hội thăng hoa Tâm Linh, giúp Ngài hiểu được nghiệp chướng sâu dày của chúng sanh, hiểu được sự vô minh đời đời, kiếp kiếp của họ và thấy được rằng Ánh Sáng Chân Lý cần thiết cho nhân loại biết chừng nào. Các vị Thầy Ấn Độ đã đặt hết niềm tin và hy vọng nơi Ngài – người sẽ mang Tình Thương của Thượng Đế và Pháp Môn Diệu Âm này đến với chúng sanh, cứu cánh duy nhất giúp con người chấm dứt mọi khổ đau và sanh tử luân hồi.

Nhận lãnh sứ mạng cao cả và tạm biệt các vị Ân Sư của mình xong, Ngài trở về với nhân gian. Sau khi bàn bạc và xin phép gia đình, Ngài đã thu xếp cho mình một cuộc sống tự do, riêng tư để có thể dành nhiều thời gian cho đất nước, cho thế giới và thực hiện lý tưởng ban truyền Pháp Môn cao quý của Vũ Trụ đến cho nhân loại.

Tuy nhiên, Ngài vẫn làm việc, vẫn sống một cuộc đời tu hành giản dị và làm tròn bổn phận của một người cha với gia đình, con cái. Số tiền kiếm được, một phần Ngài dành cho gia đình, phần còn lại Ngài dành cho Đạo Pháp, cho việc cứu trợ, giúp đỡ những nơi có thảm họa thiên nhiên và cho việc tu học của các đệ tử, học trò. Giờ đây, đối với các con của mình, Ngài không chỉ là một người cha nhân gian mà Ngài còn là một người Cha Tâm Linh vĩ đại. Các con của Ngài tuy còn nhỏ tuổi nhưng đã hiểu sứ mệnh của Cha mình nên họ sống rất tự lập và không bao giờ cảm thấy thiếu vắng Cha khi Ngài thực hiện những chuyến Hoằng Pháp dài ngày trên khắp thế giới. Sau mỗi chuyến đi, Ngài lại trở về Mỹ tiếp tục chuyên tâm tu hành, làm việc và làm tròn những bổn phận của mình.

Ngài thường nói rằng Ngài cũng có một cuộc sống bình thường như tất cả mọi người, cũng đã từng trải qua bao khó khăn, thử thách, ràng buộc ở nhân gian. Ngài cũng từng vấp ngã, đau khổ, thất vọng và cũng từng có tình cảm như tất cả mọi người, từng trải qua những thăng trầm khi là người xuất gia cũng như lúc là người tại gia… cho nên Ngài hiểu tất cả những suy tư, nỗi niềm mà một người tu hành phải đi qua trên hành trình khai mở Đại Trí Huệ.

Mặc dù sống một cuộc sống khiêm nhường và kín đáo, Ngài vẫn luôn nhận được những lời mời đi thuyết giảng của những người có tâm khao khát tu hành, tìm đến con đường “một đời giải thoát” ở khắp nơi gửi đến. Ngài đã vui vẻ chia sẻ Chân Lý với tất cả những ai đến với Ngài, không phân biệt quốc tịch, địa vị, học vấn, tín ngưỡng, tôn giáo…

Ngài không lập Tôn Giáo mới, cũng không xen vào những Tôn Giáo hiện hành, bởi đỉnh cao của mọi Tôn Giáo chỉ là một – Đó là con đường Chánh Pháp đưa con người hòa vào dòng Diệu Âm linh thiêng của Vũ Trụ, dẫn dắt Linh Hồn con người thoát khỏi những ràng buộc, ham muốn của thế gian, chấm dứt mọi khổ đau, đạt được Niết Bàn ngay tại trần thế, trở về với Thiên Quốc, vĩnh viễn thoát khỏi vòng quay trong Tam Giới.

 

Trong quá khứ, một vị Minh Sư tại thế chỉ truyền dạy cho đệ tử Pháp Môn Diệu Âm này khi họ đã vượt qua được rất nhiều thử thách khắc nghiệt. Ngày nay, bất cứ ai trong chúng ta khi có lòng thành tâm khát khao cầu Đạo, có niềm tin vào Chân Lý, vào một vị Minh Sư thì đều có thể được nhận diễm phúc này, được truyền Bảo Pháp, được tức khắc Khai Ngộ và có những thể nghiệm Tâm Linh. Đây là một Ân Điển vô cùng lớn lao mà Thượng Đế đã dành cho nhân loại trong thế kỷ XXI này.

Đi theo con đường của Minh Sư tại thế chỉ dạy – con đường Âm Thanh và Ánh Sáng – chúng ta sẽ được Ngài chăm sóc không chỉ cuộc sống bên ngoài mà cả cuộc sống Tâm Linh bên trong đến suốt cuộc đời, cho tới khi chúng ta đạt được Khai Ngộ, đạt được Chân – Thiện – Mỹ, như hoa sen mọc trong bùn mà vẫn tinh khiết, thanh cao, không hề bị hôi tanh mùi bùn. Khi đó, chúng ta sẽ sống một cuộc đời đầy ý nghĩa, thế giới sẽ không còn chiến tranh và các thảm họa thiên nhiên, con người sẽ sống với nhau trong hòa bình, thương yêu và đầy lòng bác ái.

Ngài thường nói với các học trò của mình rằng: Ngài rất tự hào được làm một con dân nước Việt, Ngài sẽ dành toàn bộ quãng đời còn lại để ban rải Ánh Sáng Chân Lý và Tình Thương của Vũ Trụ đến cho nhân loại, trong đó có Việt Nam quê hương của Ngài. Những năm gần đây, nhiều bài giảng Chân Lý bằng tiếng Việt của Ngài cũng đã được dịch ra rất nhiều thứ tiếng trên thế giới.

Những lời dạy của Ngài tràn đầy Tình Thương và niềm tin yêu đối với con người, giúp chúng ta khám phá ra những bí ẩn của Vũ Trụ bằng chính Trí Huệ vạn năng thâm sâu của mình – Điều mà tất cả chúng ta ai cũng có thể gặt hái được qua công phu tu tập Pháp Môn Diệu Âm. Tất cả những thành tựu khoa học hiện đại mà con người có thể đạt được đều chỉ là sự mô phỏng lại khả năng vĩ đại tiềm ẩn bên trong chúng ta. Chỉ có sự tu hành Chánh Pháp dưới sự dẫn dắt của vị Minh Sư tại thế, con người mới khám phá được những năng lực vô biên này. Ngài mời chúng ta hướng vào bên trong để tự mình chiêm nghiệm những khả năng vĩ đại đó, đón nhận sức gia trì và Tình Thương bao la của Thượng Đế, của Phật – Bồ Tát. Ngài dẫn dắt chúng ta đi về những miền đất Tâm Linh vô cùng tươi đẹp, nơi cội nguồn nguyên thủy của Linh Hồn, nơi chúng ta được dưỡng nuôi bằng Hào Quang và Thánh Âm của Vũ Trụ, nơi không còn khổ đau và sự sợ hãi bởi những thế lực vô hình. Ngài sẽ giúp chúng ta trở thành Minh Sư của chính mình!

Hãy mang Tình Thương, vẻ đẹp nội tâm, niềm vui vĩnh cửu, những giá trị Chân – Thiện – Mỹ dâng hiến cho nhân loại và trái đất này!

Hãy trân trọng từng giây, từng phút khi chúng ta còn sống trên thế gian này, bởi tất cả mọi khổ đau, bất hạnh trên cõi này đều là những bài học Tâm Linh quý giá, giúp chúng ta tiến bước trên con đường đi tới đỉnh cao của sự Khai Ngộ.

Đối với đất nước Việt Nam, Ngài luôn gửi gắm một tình yêu khắc khoải, một lòng khao khát muốn đem Pháp Môn Tối Thượng này hiến dâng cho quê hương như một sự đền đáp ân huệ tổ tiên.

Mời quý vị hãy cùng với chúng tôi đón nghe những lời Chân Lý cao thượng từ Ngài – Vị Minh Sư vĩ đại của thế kỷ XXI!

 

Ban biên tập

Add Your Comment

ĐỊA CHỈ HỘI THIỀN ĐỊNH QUỐC TẾ MASTER RUMA TRÊN THẾ GIỚI
HOA KỲ: MASTER RUMA’S INTERNATIONAL ASSOCIATION FOR BUDDHIST MEDITATION, INC.

Địa chỉ: 2778 GA-257, Dublin, GA 31021. Tel: (+1) 561 332-6110

CAMPUCHIA: THE INTERNATIONAL ASSOCIATION FOR BUDDHIST MEDITATION MASTER RUMA

Địa chỉ: Phum Khsom, Banteay Daek Commune, Kien Svai District, Kandal Province, Kingdom of Cambodia
Tel: (+855) 92 772 669 (Telegram/Viber/Zalo)

CHIANG MAI - THÁI LAN: MASTER RUMA FOUNDATION

Địa chỉ: 9 Moo 21, T.Doi Lo, A.Doi Lo, Chiang Mai, Thailand 50160
Tel: (+66) 0884 108 264 - (+66) 0956623760 - (+66) 0815 670 550

UDON THANI - THÁI LAN: MASTER RUMA INTERNATIONAL MEDITATION CENTER

Địa chỉ: 296 Moo 2 T. Soomsao, A.Phen, Udonthani 41150 Thailand
Tel: (+66) 0884 108 264 - (+66) 0956623760 - (+66) 0815 670 550

CỘNG HÒA SÉC: Meditace Master Ruma internacionální z.s.

Věštec e43. 26301 Hřiměždice. - Dobříš, Czech Republic
Tel: +420 607 564 578

LÀO: XENGXAVANG FOUNDATION

Địa chỉ: Pak Het – Muong Naxaithoong – Vientiane – Laos PDR
Tel: (+856) 02055 659 348

Masterruma © 2024. All Rights Reserved.